CEO Trương Tuấn : “Làm ngành truyền thông điều quan trọng hơn hết chính là thái độ chứ không phải kĩ năng”
“Những ai làm trong ngành PR hay event thì đòi hỏi các bạn vừa phải hiểu được ngôn ngữ của thương hiệu, ngôn ngữ về chiến lược vừa phải trau chuốt, tinh tế, sáng tạo. Đây là một điều vô cùng khó.” – Anh TRương Tuấn, CEO TOPSTAR chia sẻ.
Con đường sự nghiệp của anh trong lĩnh vực truyền thông diễn ra như thế nào?
Thật ra, ngành truyền thông là cái nghiệp đối với anh. Trước đây, anh làm việc tại Nhà văn hóa Thanh Niên, sau đó là lãnh đạo Nhà văn hóa Sinh Viên. Tiếp đến nữa là anh chuyển sang lĩnh vực truyền hình. Tức là dù có đi đâu thì nghề truyền thông vẫn theo anh. Một thời gian sau, anh dành thời gian học ngành truyền thông theo cách chuyên nghiệp hơn và về hợp tác với các bạn ở TOPSTAR MEDIA . Lúc đó chỉ có TOPSTAR MEDIA và TOPSTAR Advertising, sau khi anh về thì thành lập thêm TOPSTAR Event và TOPSTAR PR.
Xuất phát điểm làm truyền thông một cách chuyên nghiệp nhất là lúc anh làm truyền hình và công tác tại Topstar. Lúc đó, anh có thể hiểu được thế nào là thị trường truyền thông. Chứ trước đó, có lẽ anh chưa đụng chạm gì nhiều đến truyền thông chuyên nghiệp, làm việc trực tiếp với khách hàng, tiếp xúc với dịch vụ, làm việc với ngân sách của khách hàng vì chỉ làm những sự kiện mang tính xã hội, cộng đồng.
Theo anh, điều gì khó khăn nhất khi làm nghề PR, event?
Cách đây khoảng 7 hay 8 năm là thời gian “bùng nổ” của các hoạt động below the line như PR, event (Người viết: Below the line là hoạt động tạo ra cảm hứng và niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy họ tìm hiểu và sử dụng sản phẩm). Anh nhớ một quyển sách rất nổi tiếng tên là “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi ” thì ngay giai đoạn đó, Topstar cũng đã khá chín chắn và có tiếng tăm trong thị trường PR. Cái khó nhất đối với người làm hoạt động below the line là phải rất tỉ mỉ, chi tiết. Đồng thời cũng phải có một tầm nhìn phù hợp với thương hiệu và chiến lược truyền thông của thương hiệu đó.
Thường thì nếu như não phải mạnh thì não trái sẽ yếu và ngược lại. Để thành công thì chúng ta phải cân bằng được hoạt động của hai bán cầu não. Những ai làm trong ngành PR hay event thì đòi hỏi các bạn vừa phải hiểu được ngôn ngữ của thương hiệu, ngôn ngữ về chiến lược vừa phải trau chuốt, tinh tế, sáng tạo. Đây là một điều vô cùng khó.
Event là một mảng rất vất vả, anh có thích hợp làm event hay không và làm thế nào để giữ được đam mê để tiếp tục với nghề này?
Thật ra, chuyện phù hợp hay không sẽ tùy vào từng người. Vì nghề event đòi hỏi một sự đam mê thật sự, các bạn phải rất máu lửa. Có những lúc vì yêu cầu công việc, yêu cầu của khách hàng mà anh cũng phải thức qua đêm cùng mọi người để dàn dựng cho sự kiện hoặc để tổng duyệt chương trình. Niềm hạnh phúc khi một chương trình thành công thật sự rất lớn. Và khi chúng ta đam mê thì hạnh phúc đó sẽ lớn hơn.
Nên việc phù hợp hay không phù hợp hoàn toàn phụ thuộc vào cá tính của từng người, tùy sự đam mê. Nếu có đam mê thì các bạn có thể sống tiếp tục với nghề.
Cột mốc khiến anh cảm thấy tự hào nhất trong suốt sự nghiệp của mình là gì?
Thực ra anh có cách sống khá hồn nhiên so với cách mọi người hay nghĩ. Kiểu như CEO của một công ty lớn chắc là phải đăm chiêu, phải lo toan nhiều thứ. Nhưng anh cảm thấy tất cả những cột mốc trong cuộc sống mà mình trải qua đều rất nhẹ nhàng và đôi khi là “Ơn trời! Tại sao mình lại được cho nhiều đến thế!” Điều tự hào nhất đối với anh trong sự nghiệp phát triển không phải là những dấu ấn thành công đối với khách hàng. Vì những dấu ấn đó sẽ được tiếp tục và năm nào cũng sẽ có để mình tự hào. Nhưng điều lớn nhất là xây dựng được một đội ngũ, các bạn gắn bó, chia sẻ những đam mê và giá trị cho TopStar cũng như chính cuộc sống mà các bạn đang theo đuổi.
Xây dựng thành công một đội ngũ chính là niềm tự hào đối với agency. Như mọi người cũng biết agency ở Việt Nam còn non trẻ, nguồn nhân lực không có nhiều. Chính vì vậy chuyện nhân sự nhảy việc là vấn đề đau đầu. Nhưng đối với những công ty của TopStar Group, chẳng hạn như ở TopStar PR tỉ lệ chuyển đổi công việc của nhân viên chỉ là 11% một năm, trong khi thị trường là 25% và có những công ty PR lớn con số này là 40 hay 50%. Vậy tại sao TopStar chỉ có 11%? Đó là văn hóa, là đam mê cùng nhau làm việc. Khi vào đây, các bạn sẽ cảm nhận được không khí vui vẻ, thoải mái. Làm ở TopStar là phải vui.
Theo anh, các bạn trẻ cần có tố chất gì, cần chuẩn bị những gì để bước vào ngành Truyền thông và làm thế nào để giữ được đam mê, tiếp tục ngành này?
Nếu với tư cách là một người đồng nghiệp để chia sẻ với các bạn thuộc thế hệ millennials (sinh từ năm 1980 đến 1998), thế hệ X, Y hoặc gen Z. Thì theo anh, khi bước chân vào ngành truyền thông, để có thể thành công các bạn phải nỗ lực chứ đừng làm nửa vời. Có rất nhiều đòi hỏi để đạt tới thành công trong ngành này. Ví dụ như là sự đam mê. Các bạn sẽ nghe rất nhiều lời khuyên kiểu như làm theo đam mê là chết. Nhưng thật sự trong ngành truyền thông, nếu không có đam mê thì bạn sẽ không làm được gì.
Điều thứ hai là kiến thức. Bạn luôn luôn phải cập nhật kiến thức mới, theo dõi các xu hướng hiện tại, phải có kiến thức nền tảng. Nếu như bạn chỉ cập nhật xu hướng, chỉ lướt Facebook, chỉ đọc những thứ lướt qua thì bạn sẽ thiếu rất nhiều kiến thức chiều sâu. Làm truyền thông là kể câu chuyện. Nếu câu chuyện của bạn là câu chuyện hời hợt thì người xem, người nghe sẽ không có cảm xúc. Còn nếu đó là câu chuyện thấm đẫm suy nghĩ, trăn trở, cảm xúc thì lúc đó câu chuyện của bạn sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.
PV : Nguyễn Tuấn